Được coi như màu sắc cơ bản thứ 5 bên cạnh 4 màu CMYK dành cho in ấn, màu Pantone trở thành hệ quy chiếu màu sắc chuẩn mực, ngôn ngữ giao tiếp chính thức trong công nghiệp thiết kế toàn cầu. Vậy màu Pantone là gì? Cách sử dụng màu Pantone trong thiết kế như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu với Wiki.Designs.vn kỳ này nhé!
NỘI DUNG CHÍNH
Pantone – cơ quan toàn cầu về màu sắc
Thuộc tập đoàn đa quốc gia X-Rite – Pantone LLC là một cơ quan màu sắc nổi tiếng thế giới. Trong hơn 50 năm cung cấp các sản phẩm dịch vụ và công nghệ trong khám phá màu sắc và biểu hiện sáng tạo, Pantone đã truyền cảm hứng cho vô số các nhà thiết kế trên toàn cầu từ lĩnh vực thời trang, nội thất cho đến đồ họa, thiết kế công nghiệp.
Năm 1963, Lawrence Herbert, cha đẻ của Pantone, đã sáng tạo một hệ thống đột phá cho phép nhận diện, giao tiếp màu sắc một cách trùng khớp, chính xác nhằm giải quyết tình trạng diễn giải sai lệch trong cộng đồng nghệ thuật đồ họa. Hệ thống của Herbert đã tạo tiền đề cho từ điển tiêu chuẩn màu đầu tiên PANTONE® MATCHING SYSTEM®. Kể từ đó, Pantone đã phát triển ý tưởng về hệ thống tiêu chuẩn để khớp màu cho hàng loạt các ngành công nghiệp mà sự chính xác về màu sắc trong từng giai đoạn (từ bước phác thảo đầu tiên trong thiết kế cho đến khâu sản xuất cuối cùng) là yếu tố sống còn như: kỹ thuật số, thời trang, sơn, nội thất, kiến trúc, thiết kế công nghiệp,…
Ngày nay, hệ thống tiêu chuẩn màu The PANTONE® được ngầm công nhận như một ngôn ngữ chuẩn mực và chính thức trong giao tiếp bằng màu sắc bất kể đó là với các nhà thiết kế, các nhà sản xuất, phân phối hay người tiêu dùng.
Mỗi năm, Pantone và hàng trăm đơn vị ủy quyền của Pantone cung cấp vô số các sản phẩm,dịch vụ ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Sản phẩm cốt lõi của Pantone là những bộ tiêu chuẩn so sánh và pha chế màu sắc vô cùng chi tiết, được đóng thành sách xòe dạng hình cánh quạt hoặc dạng sách từ điển, kích thước gần như tờ giấy A4 với nhiều trang màu lên đến hơn 2000 màu).
Thiết kế mẫu so sánh dạng xòe quạt
Các dòng sản phẩm chính của Pantone:
– Graphic: Là dòng sản phẩm cho ngành in ấn, thiết kế bao bì, thiết kế đồ họa.
– Fashion and Home: Là dòng sản phẩm dành cho ngành thời trang, dệt nhuộm vải, thuộc da.
– Industry: Là dòng sản phẩm cho kim loại và nhựa.
Bên cạnh cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn màu, công ty này còn thành lập PANTONE COLOR INSTITUTE® (Viện màu sắc Pantone) – cơ quan nghiên cứu ứng dụng và trung tâm thông tin về màu sắc, nơi đưa ra các dự báo và cung cấp các chuẩn màu cho giới thiết kế chuyên nghiệp. Các dự báo của viện bao gồm PANTONE Fashion Color Report (Báo cáo màu Pantone cho thời trang),PANTONE VIEW home + interiors (Góc nhìn của Pantone về bày trí và nội thất) và Color of the Year (Màu của năm)
Màu Pantone là gì?
The Pantone Colour Matching System (PMS) – ngôn ngữ chuẩn mực của màu sắc
The Pantone Colour Matching System (PMS) cơ bản là một hệ thống tái tạo màu tiêu chuẩn. Bằng việc tiêu chuẩn hóa màu sắc với tên gọi bằng các mã số, các nhà sản xuất ở các địa điểm khác nhau, các khâu khác nhau đều có thể tra cứu hệ thống Pantone và chắc chắn tạo ra hiệu ứng màu trùng khớp cho sản phẩm mà không cần bất kỳ một sự liên lạc trực tiếp nào.
PMS là một không gian màu sắc độc quyền sử dụng trong một loạt các ngành công nghiệp, chủ yếu trong in ấn, hiện nay mở rộng thêm trong ngành nhuộm vải (phục vụ các thiết kế thời trang), chế tạo vật liệu nhựa cũng như sơn phun, sơn tĩnh điện trên bề mặt kim loại (phục vụ thiết kế công nghiệp). Các hướng dẫn màu Pantone đã được chấp nhận rộng rãi và được sử dụng bởi các nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà in, các nhà sản xuất, tiếp thị cũng như khách hàng trong tất cả các ngành công nghiệp trên toàn thế giới nhằm xác minh cụ thể màu sắc, đặc điểm kỹ thuật thiết kế, kiểm soát chất lượng và thông tin liên lạc.
Màu Pantone là gì?
Các màu đã được nghiên cứu, tiêu chuẩn hóa với các thông số kỹ thuật trong pha chế, được đánh mã số cụ thể và đưa vào hệ thống PMS, là màu Pantone.
Người trong giới in ấn thường định nghĩa màu Pantone là màu pha, hay màu thứ 5. Bởi lẽ, màu Pantone đã được tiêu chuẩn hóa với đặc điểm kỹ thuật rõ ràng, có thể coi như màu pha sẵn, khác hoàn toàn với “màu thường” – các màu tạo ra từ việc nhà in pha trộn từ các màu CMYK (là 4 màu cơ bản trong in ấn).
Màu Pantone luôn có sắc độ tươi tắn, nổi bật hơn hẳn khi đặt cạnh những ấn phẩm được in offset từ 4 màu cơ bản (thường bị sai khác lớn với thiết kế).
Trong tên gọi các màu Pantone, bên cạnh mã số riêng thể hiện sắc độ, đi sau các số thường có thêm các chữ cái C,M,U nhằm thể hiện chính xác hiệu ứng màu thay đổi trên từng chất liệu giấy in. C (coated – giấy có lớp tráng phủ như giấy Couche), U (Uncoated – không tráng, như giấy Fort) và M (matte – mờ). Ví dụ, Pantone 199 Red có thể được xác định là Pantone 199C (C = giấy Coated), Pantone 199U (U = không tráng giấy) hoặc Pantone 199M (M = Matte Paper). Còn trong bảng tra cứu dành cho thiết kế vật liệu nhựa, các màu cũng được ký hiệu thêm bên cạnh mã số màu: chữ Q – opaque (thể hiện màu sắc được in trên bề mặt nhựa đục), chữ T – transparent (ký hiệu cho màu hiện lên trên bề mặt nhựa trong)
Phân loại các bộ mã Pantone
Bảng màu Pantone được xây dựng với nhiều bộ mã ứng dụng trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau thậm chí là trong từng bộ phận khác nhau của một quy trình sản xuất. Ví dụ như, bộ phận tư vấn hoặc thiết kế mẫu mã thì dùng loại Pantone CMYK hay là Pantone Color Guide hoặc là Pantone Color Bridge…Còn bộ phận ở xưởng sản xuất hoặc bộ phận có nhu cầu cần công thức pha màu theo định lượng thì dùng bộ sản phẩm Pantone Formula Guide, Pantone Metallics.
Các sản phẩm của Pantone có thể đưa phân loại theo một số tiêu chí như sau:
Theo vật liệu tạo mẫu : ta có 2 sản phẩm tra cứu khác nhau: Pantone TPX (màu tra cứu được in trên chất liệu giấy, phục vụ ngành in ấn) và Pantone TCX (mẫu tra cứu trên chất liệu vải cotton, phục vụ ngành nhuộm vải cho các thiết kế thời trang, nội thất)
Theo mục đích sử dụng : có 2 loại Pantone CMYK hay Pantone Color Bridge (bộ chuẩn màu sắc để thiết kế trên các phần mềm đồ họa) và Pantone Formula Guide (có các công thức pha mực dành cho xưởng sản xuất, in ấn)
Theo đặc tính của vật liệu thiết kế: có loại chuyên dùng cho các thiết kế kim loại gọi là Pantone Metallics , và bảng màu dành cho thiết kế giấy decal, bảng hiệu, phấn gọi là Pantone Neon & Pastel.
Cách tạo màu Pantone
Như đã nói giới thiệu ở trên, màu Pantone luôn có phần tươi sáng, nổi bật hơn so với các màu tạo thành từ việc in offset (từ hệ màu CMYK). Không chỉ vậy, tính bảo toàn, chính xác của màu Pantone từ bản thiết kế cho đến bản in cũng cao hơn rất nhiều, Vì vậy, với các sản phẩm in ấn đòi hỏi độ chuẩn xác cao về màu sắc, không chỉ để đảm bảo tính thẩm mỹ mà còn đảm bảo độ nhận diện thương hiệu của sản phẩm với khách hàng, việc tạo màu Pantone là vô cùng cần thiết. Sau đây, Designs.vn xin được giới thiệu với các bạn quy trình tạo màu Pantone khi thiết kế sản phẩm đồ họa in ấn, ứng dụng phổ biến nhất của tiêu chuẩn màu Pantone.
Bước 1: Lựa chọn bộ mã Swatch PMS (Pantone Matching System)
Như đã giới thiệu ở trên có nhiều phiên bản bộ mã swatch PMS để đáp ứng cho nhiều loại vật liệu in khác nhau. Vì lý do này, việc nói chuyện trước với nhà in của bạn về loại giấy nào sẽ được sử dụng để in là rất quan trọng để bạn có thể tham khảo đúng bộ mã ngay từ bước lựa chọn và lên ý tưởng. Các bộ mã swatch thường là có giá thành khá cao (đặc biệt là thư viện tham khảo đầy đủ – full reference library). Điều quan trọng là bạn phải nhớ rằng những bộ mã có thể “hết hạn”, có nghĩa là chúng không còn áp dụng đối với các bộ mực hiện hành. Thêm vào đó, các bản tra cứu trên giấy này cũng được Pantone khuyến cáo chỉ có thể là khuôn mẫu chính xác trong một năm và cần thay mới do mực in sẽ dần ngả theo sắc vàng qua thời gian.
Bước 2: Làm việc với khách hàng
Để những gì có trong bộ mã swatch của bạn thực sự có giá trị, bạn hãy đến gặp khách hàng của mình để thảo luận với họ về màu sắc sẽ được sử dụng trong dự án. Khi bạn có một ý tưởng thiết kế, bạn có thể thảo luận về màu sắc chính xác cho phông nền, chữ và các yếu tố khác. Hãy nhớ rằng các ô màu swatch được dùng để xác định màu solid (màu đặc, màu mảng bẹt) và chúng không giúp ta bảo đảm chắc chắn rằng các yếu tố như hình ảnh (mà có thể chứa hàng triệu màu sắc đặt cạnh nhau) sẽ có hiệu ứng nguyên vẹn của từng màu riêng biệt như trong bảng màu Color Guide.
Bước 3: Chọn thư viện mẫu màu và những màu thích hợp trong phần mềm đồ họa của bạn
– Trong Photoshop: Mở bảng màu swatches bằng cách nhấn vào Window > Swatches. Bảng mẫu màu tiêu chuẩn sẽ được hiển thị. Nhấp vào mũi tên nhỏ phía trên bên phải của cửa sổ swatches, bạn sẽ thấy một danh sách dài các thư viện màu sắc để lựa chọn, bao gồm nhiều bộ sưu tập Pantone. Chọn tên tập phù hợp với bộ mã màu mà bạn đang sử dụng. Photoshop sẽ hỏi xem bạn có muốn thay thế các bảng hiện tại hoặc bổ sung thêm vào (Append). Chọn “OK” để thay thế bảng màu đó, và thế là bạn chỉ nhìn thấy bảng màu Pantone.
– Trong Illustrator: Quá trình này về cơ bản là giống nhau, trừ khi bạn nhấp chuột vào mũi tên để đưa lên danh sách swatches, trước tiên bạn phải chọn “Open Swatch Library” để xem danh sách đầy đủ của Pantone và các thư viện màu khác.
Một khi các ô Pantone của bạn đã được hiển thị, bạn có thể thấy các số tham chiếu bằng cách rà chuột lên mỗi mẫu màu. Bây giờ bạn có thể chọn những màu sắc mà bạn đã chọn ra từ bộ mã của mình. Quá trình này có thể thay đổi chút ít tùy thuộc vào phiên bản của phần mềm Photoshop hay Illustrator mà bạn đang sử dụng. Các bảng màu swatch cũng có sẵn trong đa số các phần mềm đồ họa tiêu chuẩn vì vậy hãy chắc chắn là bạn chọn đúng bảng phù hợp cho công việc của mình.
Bước 4: Cung cấp thông số màu sắc cho nhà in
Mặc dù bạn đã chọn màu sắc thích hợp trong thiết kế của mình, điều quan trọng là bạn phải thông báo cho nhà in thông tin về màu nào sẽ được sử dụng và sử dụng ở chỗ nào. Bạn có thể làm điều này bằng cách in một bản cho mẫu thiết kế của mình rồi đánh dấu các vị trí với nhãn từng màu PMS theo số tham chiếu của nó.
Thợ in sẽ tra số tham chiếu của màu Pantone bạn đã chọn trong bảng tra cứu Formula Guide để có được công thức pha màu, rồi sử dụng mực màu quy chuẩn cơ bản của Pantone tiến hành pha mực in đúng tỷ lệ. Bằng cách đó, màu sắc kỳ vọng của khách hàng được chuyển tải nguyên vẹn từ ý tưởng thiết kế đến thành phẩm cuối cùng.
Quy trình này cũng tương tự trong ngành sản xuất với chất liệu vải, nhựa, kim loại mà trong đó những hướng dẫn về màu sắc Pantone Colour Guide để so sánh màu sắc được thiết kế riêng biệt cho từng chất liệu.
Ứng dụng của màu Pantone
Có thể nói, hàng loạt ngành công nghiệp thiết kế mỗi năm lại bị hút về và xoay quanh màu sắc của năm Color of The Year – một kết luận của Viện màu Pantone. Và thế là cảm hứng từ màu sắc mới nhanh chóng lan tỏa. Và ta có thể gặp màu sắc Pantone trong mọi mặt của đời sống.
Marsala – màu sắc của năm 2015 tràn ngập các thiết kế từ các sàn diễn thời trang đến các ngôi nhà với các món đồ nội thất, cũng như phấn, son trang điểm, sơn móng tay,…. thậm chí là hoa gài áo của chú rể.
Độ phủ sóng của màu Pantone không chỉ dừng lại ở những ngành công nghiệp thiết kế nổi bật như đồ họa,in ấn, nhuộm vải thiết kế thời trang mà các bảng màu của Pantone còn biểu lộ trong nhiều sản phẩm và vật mẫu độc đáo: như hệ thống hướng dẫn màu sắc với tông màu da người (cái được Pantone phát triển như một dự án nghệ thuật chống nạn phân biệt chủng tộc và màu da), tiêu chuẩn màu cho phấn mắt, hay thậm chí là tiêu chuẩn màu sô cô la.
Pantone đã vượt ra khỏi khuôn khổ một hệ thống quy chiếu đơn thuần, một công cụ tái lập màu sắc với công thức chi tiết, “cá tính hóa” từng màu sắc để trở thành một thương hiệu toàn cầu đầy uy tín về ngôn ngữ màu sắc. Do đó không khó hiểu khi ta có thể bắt gặp những sản phẩm với kiểu dáng và màu sắc đậm chất Pantone như thế này
Xu hướng màu sắc sắp tới theo Pantone
Được công bố vào tháng 2/ 2015, PANTONE VIEW Colour Planner Autumn/Winter 2016 – 2017 với tên gọi: “Reveal” – đã đưa ra các dự báo về xu hướng màu sắc cho mùa thu đông 2016 – 2017 như một cuộc khám phá về sự thực và ảo trong thế giới màu sắc.
Xuất phát từ xu hướng trong phong cách sống, hành động và suy nghĩ hiện đại nơi sự phân cực đang bớt dần sự cứng nhắc và trở nên chân thật hơn, góc nhìn của Pantone nhấn mạnh vào màn phô diễn đối lập giữa cái có thực và không có thực, giữa cái hiện diện và những gì thiếu vắng, để toát lên cốt lõi cuối cùng là những gì còn lại ở giữa hai thái cực.
“Chúng tôi thấy rằng ý tưởng nằm trong sự vắng mặt và hiện diện, che lấp và cởi mở tồn tại song hành như vậy có liên quan mật thiết không chỉ khi nói đến màu sắc, mà còn ở cách chúng ta sống cuộc sống hàng ngày. Một mặt, con người luôn mong muốn trở về những gì đơn giản, trung thực và khiêm tốn, được hòa mình vào một cộng đồng rộng lớn nhưng một mặt lại vẫn luôn ôm ấp một ước muốn sâu xa được nổi bật và được thực sự nhìn thấy.”
(Laurie Pressman, phó chủ tịch của Pantone Color Institute®)
PANTONE VIEW Colour Planner công bố 8 bảng màu xu hướng dựa trên các sắc màu chủ đạo bao gồm:
Đen, trắng, ghi, xanh lá cây, vàng, cam, tím, nâu, đỏ, xanh dương, màu pastel và màu kim loại metallics.